Mời đầu bếp nổi tiếng tập huấn cho người đồng bào Xơ Đăng chế biến ẩm thực từ dược liệu
Các đầu bếp nổi tiếng trên cả nước có mặt tại Tu Mơ Rông để cùng với người đồng bào Xơ Đăng chế biến những món ăn từ đặc sản sâm dây. Người đồng bào Xơ Đăng sẽ được tập huấn chế biến món ăn từ dược liệu để nâng tầm giá trị ẩm thực.
Ngày 22-11, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tổ chức Họp báo Hội thi ẩm thực kết hợp triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông năm 2023 (gọi tắt là Hội thi).
Quang cảnh họp báo |
Hội thi sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 8-12, có 4 hoạt động chính, gồm: Tổ chức tập huấn kỹ năng chế biến, trình bày món ăn; Hội thi Ẩm thực và giới thiệu đặc sản địa phương; Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; Liên hoan cồng chiêng, múa xoang cho thanh thiếu niên các trường học.
Quang cảnh họp báo |
Hội thi ẩm thực có sự tham gia của 20 đội, gồm những đầu bếp chuyên nghiệp đến từ TPHCM, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Nội...
Các đầu bếp nổi tiếng sẽ đến Tu Mơ Rông để cùng với người đồng bào Xơ Đăng chế biến 3 món ăn bắt buộc liên quan đến đặc sản sâm dây và các món ăn mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Sâm dây sẽ được ban tổ chức cấp phát miễn phí cho 20 đội tham gia.
Hội thi ẩm thực sẽ cho ra đời những món ăn mới lạ, tốt cho sức khoẻ có nguồn gốc từ đặc sản sâm dây, góp phần tạo sự đa dạng ẩm thực ở Tu Mơ Rông.
Một điều đặc biệt là, trước khi diễn ra hội thi 1 ngày, ban tổ chức sẽ mời đầu bếp chuyên nghiệp từ TPHCM tập huấn kỹ năng trưng bày và chế biến các món ăn truyền thống từ dược liệu Tu Mơ Rông cho 11 đội thuộc 11 xã, HTX trên địa bàn huyện.
Các phòng ban huyện tham gia họp báo |
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đơn vị sẽ in sách về công thức các món ăn trong hội thi để quảng bá. Đồng thời, giúp người Xơ Đăng học được nhiều công thức chế biến món ăn bản địa phù hợp với khẩu vị du khách, từ đó, phục vụ khách du lịch tốt hơn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống.
Đợt này, UBND huyện Tu Mơ Rông sẽ tổ chức phân hạng, xếp loại 15 sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu, nông sản.