Đẩy mạnh Chính quyền số để phục vụ nhân dân
Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin để vận hành, giúp nhà nước và nhân dân giảm bớt những chi phí giao dịch thông qua các hình thức trực tuyến nhanh gọn và đảm bảo tính chính xác.
Tính đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã đến 100% đơn vị, cơ quan, địa phương quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Trục kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP Kon Tum đã khai thác hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Trong đó, trên trục LGSP có 33.083 văn bản được gửi lên Trục liên thông văn bản quốc gia và 61.584 văn bản được nhận từ Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời, có 6.142 lần trao đổi, gửi nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin quản lý hộ tịch và Lý lịch Tư pháp; 3.078 yêu cầu trao đổi, gửi nhận dữ liệu Đăng ký doanh nghiệp; 91.901 yêu cầu trao đổi Cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách.
Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử tỉnh cung cấp 1.170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 595 dịch vụ công trực tuyến một phần. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, toàn tỉnh có 34.020/277.307 hồ sơ giải quyết trực tuyến thông qua Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh, đạt 12%; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai đối với cấp tỉnh và cấp huyện là 9.878/26.724 hồ sơ, đạt 36,96%, vượt 6,96% chỉ tiêu đề ra, với tổng số tiền thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai của cá nhân, hộ gia đình là 23,36 tỷ đồng. Đồng thời, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.289/1.765 TTHC của tỉnh, đạt 73.03%.
|
Ngoài ra, các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phát triển, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Trong đó, Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 99%. Tính tới đầu năm 2023, tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh là 3.342.255 văn bản.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh phục vụ 157 cuộc họp trực tuyến. Trong đó, 67 cuộc hội nghị từ Trung ương đến tỉnh, 36 cuộc nội tỉnh và 54 cuộc hội nghị từ Trung ương đến tỉnh, có truyền về các huyện, thành phố.
Hệ thống Thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp các hộp thư với tên miền @kontum.gov.vn cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, với 6.968 tài khoản để trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng. Đồng thời, xây dựng và đưa Hệ thống Thông tin báo cáo tỉnh vào vận hành thử nghiệm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, với 15 biểu mẫu báo cáo. Trong đó, gồm 3 biểu mẫu báo cáo về kinh tế - xã hội, 11 biểu mẫu báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và 1 biểu mẫu báo cáo về chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đồng bộ tự động trên Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
Hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tiếp tục được duy trì và hoàn thành công tác tích hợp dữ liệu của 7 hợp phần giám sát, điều hành về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động của chính quyền, lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, phản ánh kiến nghị, an ninh trật tự, giao thông và đô thị, an toàn thông tin trên môi trường mạng. Hiện tại, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tạo lập và hình thành được một số cơ sở dữ liệu cơ bản về kinh tế - xã hội, hoạt động của chính quyền, y tế, giáo dục của tỉnh. Trong đó, thành phố Kon Tum đã triển khai xây dựng đô thị thông minh theo hướng ưu tiên lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự đô thị được 12 camera, đồng thời triển khai xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng.
Đến nay, Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và kết nối dịch vụ công trực tuyến cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách. Đồng thời, hoàn thành kết nối với Hệ thống Quản lý hộ tịch với Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an và Hệ thống dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chuyển đổi số và quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số từng bước được xây dựng và nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.