Hội thi chế biến 'tinh hoa của núi rừng' thu hút đầu bếp nước ngoài
120 món ăn từ sâm dây Ngọc Linh vừa được 21 đội tham gia chế biến tại hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu tổ chức tại Kon Tum. Hội thi có sự tham gia của 3 đội đến từ các quốc gia Lào, Trung Quốc và Thụy Sỹ.
120 món ăn từ sâm dây Ngọc Linh vừa được 21 đội tham gia chế biến tại hội thi ẩm thực quốc tế dược liệu tổ chức tại Kon Tum. Hội thi có sự tham gia của 3 đội đến từ các quốc gia Lào, Trung Quốc và Thụy Sỹ.
Hội thi ẩm thực quốc tế với chủ đề “Ẩm thực dược liệu – tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” lần thứ 2 và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ đẳng sâm do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức đang diễn ra tại tỉnh Kon Tum.
Hội thi có 21 đội tham gia, trong đó 11 đội thuộc 11 xã, hợp tác xã trên địa bàn; 7 đội là khách mời đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt có 3 đội đến từ các quốc gia Lào, Trung Quốc và Thụy Sỹ.
Hội thi được chia làm 2 bảng, gồm một bảng cho 11 xã thuộc huyện và bảng còn lại dành cho các đội khách mời quốc tế và các tỉnh thành trong cả nước.
Mỗi đội thi có sự tham gia tối đa của 3 đầu bếp và trổ tài chế biến ít nhất 6 món ăn chính có thành phần từ cây dược liệu sâm dây Tu Mơ Rông và các món ăn khuyến khích mang hương vị địa phương mình. Các món ăn chính này do Ban tổ chức chỉ định và không được phép trùng nhau.
Chấm điểm món ăn của các đội là ban giám khảo gồm các chuyên gia, đầu bếp nổi tiếng thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam; Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn; Đầu bếp trẻ nổi tiếng Việt Nam; các đầu bếp đến từ Đài Loan, Pháp.
Đầu bếp Trung Quốc tham dự hội thi. Ảnh: Trần Hoàn
Ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên việc thưởng thức món ăn và khả năng trưng bày, thuyết trình của đội thi. Ban tổ chức sẽ trao tổng cộng 20 giải cho 20 đội dự thi.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức hội thi ẩm thực dược liệu. Tuy nhiên, hội thi lần này khác trước bởi mang tầm quốc tế khi có sự tham gia của các đầu bếp giỏi đến từ nhiều quốc gia.
Tứ vị tiềm sâm là món ăn hết sức bổ dưỡng. Ảnh: Trần Hoàn
"Việc được xác lập kỷ lục Việt Nam 120 món ăn được chế biến từ sâm dây đã khẳng định giá trị, chất lượng, sức hút của sâm dây Tu Mơ Rông so với sâm trồng ở các vùng, địa phương khác" - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói.
Đầu bếp đội Thụy Sỹ và Trung Quốc tại hội thi. Ảnh: Trần Hoàn
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động này, huyện Tu Mơ Rông còn tổ chức Liên hoan cồng chiêng thanh thiếu niên trường học; Hội thi Triển lãm nghệ thuật “Thắp sáng ước mơ - Thổi hồn vào đá” dành cho giáo viên và học sinh; Hội thi giã gạo truyền thống đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông năm 2024; Thi giới thiệu du lịch huyện Tu Mơ Rông phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Đây là chuỗi hoạt động nhằm chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 65 năm Thành lập Khu căn cứ Tỉnh uỷ Kon Tum; 20 năm ngày thành lập huyện Tu Mơ Rông.
Thông qua những hoạt động này, huyện mong muốn nâng tầm, tôn vinh cây dược liệu sâm dây, bảo tồn văn hoá, tạo thêm sinh kế cho đồng bào Xơ Đăng.