Khởi sắc liên kết sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên: Chưa tương xứng tiềm năng
Dù đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) tại khu vực Tây Nguyên nhưng những hạn chế về trình độ canh tác, nhận định, đánh giá thị trường hay phong tục tập quán khiến các chuỗi liên kết còn thiếu và yếu, giá trị mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.
Quy mô nhỏ lẻ
Tại Lâm Đồng, đi sâu vào vùng đồng bào DTTS, dù bà con đã có những nỗ lực trong việc đưa nông sản địa phương vươn ra khỏi vùng đất của mình nhưng cũng còn hết sức khó khăn. Gần 10 năm nay, chị Ka Đ’Rờng (thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) miệt mài “thuần dưỡng” cây trà dây (một loại cây quý của đồng bào Mạ, S’Tiêng) từ rừng nguyên sinh Cát Tiên về trồng trong vườn nhà, từ đó chị mở ra hướng sản xuất cây dược liệu cho vùng núi sâu này.
Với mức giá bán 300.000 đồng/kg tại các khu tuyến điểm du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên và một bộ phận khách tại các tỉnh phía Nam nhưng chị Ka Đ’Rờng chưa thể mở rộng diện tích hơn 5 sào (5.000m2) hiện có của gia đình. Để có nguồn trà đủ cung cấp cho khách hàng, chị phải kết hợp thu hái trong rừng sâu. “Nhiều người trong vùng cũng thử liên kết với gia đình tôi để làm nhưng sau đó đều bỏ cuộc vì lo sản phẩm làm ra không có thương hiệu, khó bán. Tuy nhiên, hiện nay tôi đã đăng ký tên, nhãn hiệu và đăng ký sản phẩm OCOP của huyện”, chị Ka Đ’Rờng tâm sự.
Sự nghi ngại trong việc xây dựng thương hiệu, khả năng thành công trong liên kết giữa cộng đồng DTTS là lực cản lớn với bất cứ ai muốn dấn thân. Với anh Bon Don Ha Uck (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cũng không ngoại lệ. Để có được chuỗi liên kết cà phê sạch “UCK coffee”, 5 năm qua, anh đã hướng dẫn bà con trong cộng đồng của mình làm cà phê “tử tế” từ cách chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm.
Chị Mi Len, thành viên liên kết sản xuất cà phê UCK coffee, chia sẻ: “Thời gian đầu, thấy Ha Uck làm cà phê mọi người cũng nghi ngờ lắm. Sau này, thấy sự kiên trì, quyết tâm của anh, luôn tiếp cận, học hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp cận thị trường, giờ đây các nông hộ rất tin tưởng”. Tuy nhiên, mô hình vẫn dừng lại ở mức cộng đồng nhỏ trong cư dân bản địa tại Ka Đơn.
Nông hội điều hữu cơ tại UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) hiện có 30 hộ tham gia với diện tích liên kết là 120ha. Ở mô hình này, điều sẽ được các hộ chăm sóc theo hướng hữu cơ. Cách sản xuất này sẽ tốn nhiều chi phí, đổi lại chất lượng điều cao. Tuy nhiên, do không có đơn vị thu mua điều hữu cơ và tổ hợp tác hoạt động cầm chừng, nên bắt buộc người dân phải bán bằng giá như loại điều bình thường dù chất lượng cao hơn.
Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cho biết, trên địa bàn, hiện chỉ có trên 50 tổ liên kết cộng đồng, chưa nhiều so với quy mô 28.000 dân của huyện. Quy mô liên kết chưa lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh về kỹ thuật, vốn để làm đầu tàu liên kết, dẫn dắt người dân cùng tham gia chuỗi sản xuất.
Thiếu gắn kết
Về xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) những ngày này có thể thấy những ruộng khoai lang trải dài qua nhiều triền đồi. Dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng người dân ở đây đang gặp khó vì giá khoai lang quá thấp, thương lái không mặn mà thu mua. Mới thu hoạch xong vườn khoai 1ha, anh Điểu Sang (xã Đắk Búk So) buồn rầu cho hay, năm nay giá khoai rớt thê thảm nên nhiều gia đình đã lỗ nặng vì đầu tư cho mặt hàng nông sản này. “Năm ngoái, thấy khoai lang giá cao từ 12.000-15.000 đồng/kg nhiều người trúng đậm nên gia đình tôi phá rẫy mì để trồng khoai.
Nhưng đến nay, khi vào vụ thu hoạch thì khoai bất ngờ giảm giá còn 4.000-6.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí đầu tư tôi lỗ hơn 20 triệu đồng”, anh Sang cho hay. Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, cho biết: “Giá khoai hiện nay rớt mạnh khiến nhiều nông dân trồng khoai không có lời, thậm chí một số gia đình thua lỗ nặng do chi phí đầu tư quá nhiều. Hiện nay, người dân trên địa bàn chủ yếu trồng khoai lang theo hình thức tự phát, chưa có công ty liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nên giá khoai chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, thị trường tiêu thụ không ổn định”.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, những năm qua, cây khoai lang của tỉnh phát triển không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường khoai lang trong nước phụ thuộc chính vào Trung Quốc. Người dân bán cho thương lái và chủ yếu xuất khẩu sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch. Khi thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ thì giá khoai lang trong nước xuống thấp, nông dân bị thiệt hại.
Còn ông Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh sầu riêng, bơ Krông Pắc (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, HTX đã liên kết sản xuất với hơn 162ha sầu riêng trên địa bàn, trong đó có nhiều buôn là đồng bào DTTS. Khó khăn lớn nhất hiện nay là người dân vẫn chưa dần thay đổi phương thức sản xuất, vẫn còn sử dụng phân bón, thuốc hóa học không theo liều lượng, ảnh hưởng đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Do đó, ngành chức năng cần phải tuyên truyền, định hướng cho người dân về phương thức sản xuất theo hướng bền vững để có thị trường tiêu thụ ổn định.
Th.S Lê Thị Hạnh Phúc, Giảng viên tổ Nông lâm, Trường Cao đẳng Đắk Lắk, cho rằng, thời gian qua, việc liên kết sản xuất, tạo các chuỗi sản phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Dù vậy, không ít HTX, doanh nghiệp điêu đứng vì người dân không tuân thủ theo hợp đồng sản xuất. Đơn cử như niên vụ sầu riêng vừa qua, nhiều doanh nghiệp, HTX bị gãy nguồn hàng cung ứng cho đối tác vì bị người dân bẻ cọc hợp đồng.
TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), đánh giá: “Hiện nay, đa số nông dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất nên không có thị trường tiêu thụ ổn định. Người dân chạy theo hiệu ứng đám đông, thấy mặt hàng nông sản nào có giá trị là đổ xô trồng theo, nên xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Do đó, để có thị trường tiêu thụ ổn định, khẳng định được thương hiệu nông sản, nhà nước - nhà đầu tư - nhà nông phải cùng bắt tay để tạo ra chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm mới mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp”.