Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ
(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.
Ngày 26/4, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tổ chức hội thi giã gạo truyền thống đồng bào dân tộc Xơ Đăng năm 2024 tại làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng.
Tham dự hội thi giã gạo có 11 đội thuộc 11 xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Theo đó, các đội thi sẽ dùng chày, cối truyền thống để giã những hạt lúa ST25 thành hạt gạo sạch ngon nhất thế giới.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trên địa bàn, cây lúa là một trong các cây trồng chính. Nơi đây, đồng bào Xơ Đăng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ nên gạo rất sạch và an toàn. Các khu ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp cũng trở thành đặc sản du lịch, thu hút khách đến tham quan. Nhờ sản xuất lúa mà bà con thoát nghèo, đời sống no ấm.
Việc tổ chức hội thi giã gạo, ngoài việc quảng bá thương hiệu gạo Tu Mơ Rông, địa phương mong muốn đồng bào Xơ Đăng tiếp tục áp dụng giống chất lượng chất cao để sản xuất, hướng đến làm giàu trên vùng đất cách mạng”.
Một số hình ảnh hội thi giã gạo truyền thống đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại làng tái định cư Tu Thó
Được biết, trước đó vào năm 2023, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng vùng trồng gạo ngon nhất thế giới ST25. Loại gạo này có giá trị dinh dưỡng, giúp nâng cao thể chất cho đồng bào Xơ Đăng. Sau một thời gian thử nghiệm giống lúa ST25 đã sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất Tu Mơ Rông.
Hiện có 8 xã, 26 thôn làng với 236 hộ dân huyện Tu Mơ Rông đã triển khai trồng giống lúa với tổng diện tích khoảng hơn 31ha, năng suất bình quân ước đạt 3,5 - 4 tấn/ha, cao hơn giống lúa thuần địa phương bà con đang trồng.
Cùng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông còn trồng theo phương thức tự nhiên, hữu cơ nên hạt gạo ST25 rất sạch và an toàn. Bên cạnh đó, chất đất sạch còn giúp giống lúa ST25 phát triển nhanh, năng suất, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn hơn. Qua đó giúp bà con vùng khó từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.