A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số

Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành.

Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum mới đây, ông Trần Văn Thu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh cho biết, việc chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

Các sở, ngành, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa Ngày chuyển đổi số 10/10 và vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Các thủ tục hành chính tại Kon Tum được thực hiện trên môi trường số.

Đến nay, toàn bộ các sở, ngành và các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo/Tổ Chỉ đạo về chuyển đổi số; 100% xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G. Hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 99,7% số thôn được phủ sóng 4G. Cử 26 thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tham gia chương trình bồi dưỡng theo Đề án 146 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch). Có 10/10 huyện, thành phố đã thành lập 566 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia. Đã phê duyệt 20 hệ thống thông tin cấp độ 2 và 02 hệ thống thông tin cấp độ 3.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của UBND tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 9/2022, có 2.617.729 văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng và đưa Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh vào vận hành tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã tạo lập và hình thành được một số cơ sở dữ liệu cơ bản về kinh tế - xã hội, hoạt động của chính quyền, y tế, giáo dục của tỉnh.

Số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. 83,6% dân số toàn tỉnh đã được tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chuyển đổi số của các sở, ngành, địa phương. Đó là việc tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn vướng mắc, chậm triển khai; nguồn nhân lực công nghệ thông tin và hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn hạn chế; kinh phí đầu tư, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu; việc kêu gọi nguồn lực bên ngoài đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin  còn khó khăn…

Trong những tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp trong ngành. Chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh năm 2022.

Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ chuyển đổi số 5 năm và năm 2022. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn, triển khai các nền tảng số quốc gia đã công bố phù hợp với tình hình địa phương. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Tham mưu triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thực hiện kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh lộ lọt thông tin. Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại cấp tỉnh, cấp huyện. Tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia…

Đươc biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí thực hiện đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin từ tỉnh, huyện, xã. Kiện toàn Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh hướng tới Khung kiến trúc chính quyền số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kết nối phục vụ công tác chuyển đổi số đối với các lĩnh vực quan trọng. Thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử...


Nguồn:VietNamNet Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Video Clip
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 4
Tháng 05 : 257
Năm 2024 : 1.979
Năm trước : 42.716
Tổng số : 69.379