A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri ân vị khách thứ 10.000 đến Tu Mơ Rông: Người dân hưởng lợi từ chính sách phát triển du lịch

ơn 10.000 khách du lịch đến Tu Mơ Rông nghỉ dưỡng, khảo sát đầu tư chế biến dược liệu đã giúp người dân nơi đây hưởng lợi từ phục vụ du lịch, bán sâm. Để vùng đất sản sinh ra quốc bảo sâm Ngọc Linh thành thương hiệu du lịch cả nước cũng như giúp dân Xơ Đăng đổi đời, Tu Mơ Rông cần thêm chính sách.

ab-221.jpg
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum tặng quà cho vị khách thứ 10.000 đến Tu Mơ Rông

Người dân hưởng lợi từ du lịch

Ngày 8-12, khách du lịch vẫn đang có mặt tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) để thưởng thức lễ hội cồng chiêng, múa xoan thanh thiếu niên các trường học. Lượng khách đến nhiều nên các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống đang căng sức phục vụ.

Ghi nhận tại quán ăn Chỉnh (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông) vào sáng ngày 8-12, rất đông khách ăn sáng và thưởng thức cà phê. Nhân viên và ông chủ tất bật bưng bê thức ăn cho khách.

Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, chủ quán ăn cho biết, ngoài phục vụ khách địa phương, thời gian qua, nhờ chính sách thu hút, phát triển du lịch, cơ sở của ông được hưởng lợi nhiều thông qua việc khách ngoại tỉnh, nước ngoài đến địa bàn. Thời gian tới, ông sẽ nghiên cứu đa dạng hóa món ăn, bổ sung thêm các món liên quan đến dược liệu như sâm dây để phục vụ khách được tốt hơn.

z4950995373420-98e3d241d2c88afaf41ff99a8b619c8f-4647.jpg
Chị Nguyễn Thị Anh Nữ (xã Măng Ri) thuyết minh về các sản phẩm OCOP dược liệu cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum

Trong khi đó, người trồng dược liệu nơi đây cũng đang “hốt bạc” nhờ khách du lịch đến địa bàn. Chị Nguyễn Thị Anh Nữ (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) nói, năm 2023 là năm bội thu của gia đình. Theo đó, vườn sâm của gia đình đã đón khoảng 5.000 khách đến từ các tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... Ngoài việc tham quan, khách đã mua khoảng 20 kg sâm Ngọc Linh, 6 tạ sâm dây khô, hàng chục tấn sâm dây tươi. Tổng thu từ việc bán các sản phẩm dược liệu cho khách du lịch là khoảng 3 tỷ đồng.

“Nhờ chính sách thu hút du lịch, 2023 là năm khách du lịch đến vườn sâm của gia đình nhiều nhất. Từ đó, gia đình đã bán được nhiều sâm cho khách và có nguồn thu nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện gia đình đang thí điểm mô hình tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Mô hình này thời gian qua được nhiều khách ưa chuộng. Sắp tới, gia đình sẽ liên kết với các vườn sâm của người dân nhằm tổ chức dịch vụ tham quan vườn có thu phí. Khi mô hình này áp dụng, chắc chắn gia đình sẽ có thêm nguồn thu to lớn”, chị Nữ vui mừng kể.

z4951387991179-09394566604bd543243d45a4f165bd3b-2806.jpg
Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thay mặt UBND huyện Tu Mơ Rông tặng cúp lưu niệm cho các đội thi ẩm thực

Ông Võ Nguyên Sinh, Giám đốc HTX du lịch và dược liệu Xanh Siu Puông (xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, HTX có 43 xã viên. Dù HTX mới thành lập, đường sá vào các điểm du lịch cũng chưa thuận lợi, sản phẩm du lịch cũng mới hình thành nhưng số lượng khách du lịch được HTX phục vụ tăng qua từng năm. Du khách đến địa bàn có mong muốn trải nghiệm dịch vụ thăm quan vườn sâm Ngọc Linh, Thác Siu Puông, đồi cỏ Ngọc Chai, mua các sản phẩm dược liệu. HTX đã lập 2 đội xe, 1 đội nấu ăn, 1 đội múa xoan, 1 đội cồng chiêng, 5 tổ sản xuất để phục vụ du lịch. Kết thúc mỗi tour phục vụ khách, HTX sẽ cho trả tiền thù lao cho các thành viên tham gia. Nhiều người Xơ Đăng hưởng lợi từ du lịch.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở lưu trú; mở rộng vườn sâm; nâng cao chất lượng đội ngũ xe chuyên chở. Khi đó, người dân sẽ có nguồn thu cao hơn”, ông Sinh kể.

z4954074640773-a0b363387b421af4375bfc474b581f4c-6214.jpg
Người dân Xơ Đăng xã Đắk Na tham gia chở khách phục vụ du lịch

Tu Mơ Rông cần thêm chính sách

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân được huyện xác định là bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu kết hợp du lịch. Để phát triển du lịch, huyện đã phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) xây dựng các sản phẩm du lịch; hình thành các hợp tác xã; đầu tư hạ tầng; kêu gọi các công ty lữ hành xây dựng các tour.

Nhờ đó, từ chỗ “sinh sau đẻ muộn”, nay du lịch Tu Mơ Rông đã phát triển mạnh mẽ, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Đó là mô hình du lịch tham quan cảnh đẹp hùng vỹ của những con thác, cánh rừng già, đồi săn mây, ruộng lúa bậc thang. Khách đến Tu Mơ Rông đều thích thú các sản phẩm du lịch mạo hiểm, phượt, caravan, mô tô địa hình, cắm trại ngắm đồi săn mây. Đặc biệt, sản phẩm độc nhất không nơi nào có là tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới.

z4954102832525-9218ba01d75b6f24c79abf7d2884fbf7-1462.jpg
Tu Mơ Rông có nhiều thác nước đẹp, là đặc sản du lịch của địa phương

Con số 10.000 khách du lịch đến với Tu Mơ Rông năm 2023 tuy không lớn về số lượng nhưng đó là kết quả nỗ lực của địa phương trong việc biến tiềm năng thiên nhiên ban tặng vốn đang “ngủ quên” và cây đặc sản địa phương thành sản phẩm du lịch độc đáo, được khách nồng nhiệt đón nhận. Quan trọng nhất, khách đến Tu Mơ Rông tiêu tiền thông qua việc mua những sản phẩm dược liệu có giá trị của dân, thậm chí còn mở nhà máy chế biến. Vì thế, người dân hưởng lợi nhiều từ chính sách phát triển du lịch này.

Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, thành quả du lịch của huyện nói trên có sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, đồng hành thông qua việc gỡ khó các chính sách đầu tư, định hướng các chiến lược phát triển du lịch theo từng giai đoạn. Các đồng chí luôn quán triệt nội dung phát triển du lịch phải đi kèm với bảo vệ môi trường, lấy người dân đồng bào làm trung tâm và phải hưởng lợi trực tiếp. Trong buổi tri ân vị khách thứ 10.000 đến địa bàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp có mặt tặng quà động viên khách du lịch. Đây là sự cỗ vũ rất lớn cho huyện. Về phần mình, huyện đã bám vào định hướng của lãnh đạo tỉnh để xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch được du khách yêu quý, mang lại lợi ích cho người đồng bào Xơ Đăng như bây giờ.

anh-6682.jpg
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum (thứ 2 từ trái qua) khảo sát điểm du lịch thác Tea Prông (huyện Tu Mơ Rông)

“Thời gian tới, Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục chính sách bảo vệ rừng, trồng dược liệu kết hợp du lịch. Để du lịch Tu Mơ Rông bứt phá, trở thành thương hiệu du lịch của cả nước, huyện mong muốn đầu tư mở rộng Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 672, Tỉnh lộ 678, đường Ngọc Hoàng – Măng Bút để kết nối Tu Mơ Rông với các điểm du lịch sinh thái Măng Đen, Ngục Tố Hữu, suối nước nóng Đắk Tô, ngã 3 biên giới, trở thành chuỗi du lịch lớn của tỉnh, khu vực. Ngoài ra, huyện mong muốn tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi để dân phát triển dược liệu, nâng mức hỗ trợ trồng rừng để thu hút người dân tích cực trồng rừng, bổ sung tăng thêm vốn đầu tư hằng năm. Những kiến nghị, mong muốn này nếu được thực hiện, du lịch Tu Mơ Rông sẽ bứt phá mạnh mẽ, đời sống người dân Xơ Đăng sẽ thêm đổi thay”, ông Mạnh nói.


Tác giả: Hữu Phúc
Nguồn:https://www.sggp.org.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Video Clip
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 13
Tháng 04 : 541
Năm 2024 : 1.706
Năm trước : 42.716
Tổng số : 69.106